Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Nụ hôn buốt giá

Tác giả: Phạm Thị Ngọc Liên
Một cảm giác kỳ quặc xuất hiện khi tôi bước vào căn hộ đó. Không phải vì mùi ẩm mốc, mùi giấy dán tường, mùi gián chết bốc lên từ những vật dụng lỉnh kỉnh, nằm lăn lóc trong phòng, mà từ một thứ gì đó không gọi tên lên được, cứ phảng phất bay trong không khí. Lưng tôi chợt đổ mồ hôi, mặc dù trời không nóng lắm.

Người đàn ông môi giới nhà khoa tay một vòng:
“Cô thấy đó. Rộng mênh mông, tha hồ để cô bày biện. Giá thì lại rẻ chưa từng thấy. Cô không lấy thì quá uổng”.
Không trả lời ông ta, tôi bước ra phía cửa sổ hình bán nguyệt, nhìn bao quát khoảng không gian trống trải, lộng gió bên ngoài.
Người đàn ông môi giới tiến đến gần tôi, thò đầu nhìn xuống phía dưới:
“Cô hên lắm đó. Miếng đất bên cạnh, chủ đầu tư ở nước ngoài mua xong rồi để đó cả chục năm nay, chẳng xây dựng gì. Nhờ vậy mà căn hộ này có cửa sổ chớ không bị kín mít như mấy căn khác. Ở thành phố mà kiếm không gian thoáng đãng như vầy khó lắm. Cô quyết định mua nó chứ?”.
Cái thứ gì đó phảng phất bay trong không khí có vẻ đậm đặc hơn. Có vẻ như nó đang quyện vào quần áo, đầu tóc tôi, đẩy tôi ngồi xuống trên một chiếc thùng gỗ sứt sẹo. Tôi hít một hơi dài, nhắm mắt lại.
Người đàn ông môi giới hỏi to:
“Cô sao thế? Chóng mặt à? Cô có đem theo dầu gió không?”
Mở bừng mắt ra, tôi lắc đầu:
“Tôi không sao. Được rồi. Tôi sẽ lấy căn hộ này”.
Sau khi sơn sửa lại mọi thứ, căn hộ càng có vẻ mênh mông hơn. Vừa giúp tôi sắp đặt đồ đạc, Minh vừa bảo:
“Căn hộ này rộng thật. Mở xưởng vẽ ở đây là quá tuyệt. Em hên thật đấy”.
Tôi hỏi:
“Anh có cảm giác gì lạ khi đứng giữa căn hộ này không?”
Minh loay hoay kê dọn, xếp đặt. Tôi nhìn tấm lưng rộng của anh rồi tự hỏi sao mình lại không yêu người đàn ông tốt bụng này được nhỉ? Anh có đầy đủ phẩm chất của một người chồng, biết quan tâm mọi thứ và anh yêu tôi. Nhưng tôi chỉ xem anh như một người bạn. Những phẩm chất tốt đẹp của anh chưa đủ cho tôi, chưa đánh thức các giác quan bí ẩn của trái tim tôi được. Tôi cần một ai đó khác. Một ai đó tôi chưa biết.
Để mặc Minh xếp dọn, tôi ra đứng giữa phòng, nhìn về cửa sổ. Bức tường phía đó vẫn còn nguyên giấy dán ố vàng. Nó như tách hẳn ra khỏi ba bức tường có màu xanh lúa non mà tôi đã sơn sửa. Khi tôi chừa lại bức tường ấy, Minh hỏi:
“Em định làm gì với nó thế? Vẽ à?”
Tại sao tôi không yêu người đàn ông đi guốc trong bụng mình thế này nhỉ? Tôi cười:
“Ừ, em định vẽ thẳng lên đó bằng sơn”.
“Nhưng sao em lại vẽ ở bức tường này? Nó có một khoảng trống cửa sổ mà. Sao không chọn bức tường liền lặn?”
“Em không biết. Em thích bức tường có cửa sổ. Trông nó hay hay”.
Giờ đây, khi đứng trước bức tường ố vàng, tôi đã nghĩ ra mình muốn vẽ gì rồi. Nó sẽ là một khu vườn, một rừng cây. Tôi bảo Minh:
“Bắt đầu ngày mai em sẽ vẽ. Anh đừng đến nhé”.
Minh nhún vai:
“Được rồi. Anh không quấy rầy em đâu. Em cần gì thì cứ gọi điện hoặc nhắn tin cho anh”.
Giấy dán trên bức tường này thật dai. Hì hục mãi, tôi mới xé nó ra được. Thật kỳ lạ, không như các bức tường kia chỉ có một lớp, phía dưới lớp giấy này, còn một lớp giấy khác nữa cũng dày và dai không kém. Tôi nằm bật ra dưới sàn, bải hoải vì mệt mỏi. Thốt nhiên, cái cảm giác lạ lùng, kỳ quặc hôm tôi đến xem nhà lại xuất hiện. Luồng gió từ cánh cửa sổ mở rộng đưa vào một âm thanh mơ hồ như tiếng thở dài của con người. Nằm trên sàn gạch mát lạnh nhưng lưng tôi lại rướm mồ hôi. Thế là tôi vùng dậy, đi ra phía cửa sổ, nhìn xung quanh. Không có gì cả, ngoài ấy vẫn chỉ là một không gian trống trải và chút nắng vàng hoe.
Trở vào phòng, bức tường vàng ố như thôi thúc tôi “Nhanh lên nào”. Nhìn những đầu ngón tay đỏ ửng, rướm máu, tôi thở dài và vào bếp lấy một cái đục ra để giũi đi lớp giấy tai quái ấy. Bức tường lộ ra dần dần với những mảng màu kéo thành từng bệt, chồng lên nhau một cách khéo léo. Đường giũi của tôi trở nên mạnh mẽ hơn, hấp tấp hơn, như có ai kéo tay tôi lôi đi vậy. Thế rồi, khi lớp giấy rộng khoảng ba mét vuông được lôi xuống, xuất hiện trước mắt tôi một cảnh tượng khiến tôi sững sờ lùi nhanh về phía sau một cách vô thức.
Hình Đăng
Trên tường, một phụ nữ kiêu sa và hoang dại đang đưa mắt nhìn tôi, mỉm cười.
Bức tranh sống động đến nỗi khi nhìn thấy, tôi chợt rùng mình. Mắt tôi dán vào đó như bị thôi miên. Hay người phụ nữ đó đang thôi miên tôi vậy? Không biết nữa. Chỉ biết được rằng tôi đã đứng như chết trước bức tranh ấy cả giờ đồng hồ, cho đến khi chuông điện thoại reo, kéo tôi trở về một không gian sống.
Những ngày sau, tôi đã lột hết giấy ra khỏi bức tường và nhìn được trọn vẹn bức tranh người phụ nữ. Mặc dù màu sắc đã có phần biến đổi theo thời gian, đôi chỗ còn bị xây xước, lỗ chỗ, đó vẫn là một bức tranh có sức thu hút lạ lùng. Buổi tối đầu tiên, khi đóng kín cánh cửa sổ hình bán nguyệt lại, mở một ngọn đèn vàng, tôi thấy cô ấy đang nằm dựa lưng vào nửa vầng trăng. Sáng hôm sau, mở cửa sổ ra, ánh sáng trời tràn vào, cô ấy lại như bồng bềnh trong một mặt hồ phẳng lặng. Lần nào cũng vậy, tôi cũng mất vài mươi phút ngẩn ngơ trước nó. Mỗi khi tôi chớp mắt, dường như người phụ nữ trong tranh cũng chớp mắt theo. Có lần tôi còn tưởng cô ấy khẽ cựa mình và khe khẽ thở dài. Ai đó vẽ bức tranh này quả là một thiên tài kinh khủng.
Suốt cả ngày, tôi cứ ngồi nhìn bức tranh rồi tự hỏi, tại sao nó đẹp như vậy mà người ta lại dán kín nó bằng hai lớp giấy? Chủ nhân căn hộ này là ai? Người phụ nữ trong tranh là ai? Rồi tôi ngẩn ngơ thấy ý muốn vẽ rừng cây, khu vườn của mình đã bay biến mất. Tôi chỉ muốn chỉnh lại màu sắc, tô những chỗ sứt sẹo để bức tranh ấy hoàn hảo trở lại.
Sáng hôm sau, khi quét bệt màu đầu tiên lên bàn chân nuột nà của cô ấy, tôi nghe văng vẳng có tiếng cười khúc khích. Buông cọ xuống, tôi thò đầu ra cửa sổ nhìn. Cách ngôi nhà tôi ở một khoảng xa có một công viên cỏ mọc xanh rờn. Có lẽ tiếng cười từ nơi ấy vọng đến. Tôi tiếp tục quét những bệt màu khác lên chân cô gái mà giờ đây tôi tạm gọi là Huyền Mi, bởi hàng mi rợp đen và ánh nhìn tinh quái của cô ta.
Người đàn ông môi giới gọi điện cho tôi vào lúc ấy. Ông ta bảo:
“Có một điều tôi quên chưa nói với cô. Chủ nhà dặn nếu cô có sửa sang phòng ốc, đừng lột giấy ở bức tường có cửa sổ. Cứ dán đè lên một lớp khác là được”.
“Vì sao thế?”
“Tôi cũng không biết. Ông ấy chỉ dặn vậy thôi. Có lẽ phía bức tường ấy hay bị ngấm nước mưa. Mà hai tuần nữa ông ấy từ nước ngoài về đấy. Ông ấy sẽ đến chào cô”.
Buông máy xuống, tôi chỉ hơi phân vân về lời dặn dò của người chủ nhà một vài tích tắc. Sau đó tôi nhún vai, nghĩ thầm: “Căn hộ giờ là của mình rồi. Mình là chủ thì muốn làm gì cũng được. Sao lại phải làm theo ý họ?”
Tôi leo lên ghế, mải mê sơn tiếp lên mu bàn chân, cánh tay, bầu ngực, vài nếp áo của Huyền Mi. Chiếc cọ sơn đi đến đâu, lòng tôi khoan khoái đến đấy. Vừa sơn, tôi vừa hát. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Hình như có một thay đổi kỳ lạ trong tôi. Đó là sự rạo rực. Những bệt sơn dưới tay tôi càng lúc càng nhanh. Càng lúc Huyền Mi càng sống động hơn. Đến nỗi có lúc tôi nghĩ mình nhìn thấy cô ấy mỉm cười. Tinh nghịch, tôi hôn chụt vào đôi môi mở hé của cô ấy. Và thế là một điều kỳ lạ xảy ra.
Tôi thấy mình đứng giữa một khu vườn thấp thoáng ánh trăng. Đối diện tôi là Huyền Mi. Cô không ngồi ẻo lả nữa mà đứng thẳng với đôi chân trần, đôi bàn chân nõn nà, móng sơn màu tím bạc. Dưới ánh trăng xanh, đôi môi đỏ tươi của cô trở thành màu đỏ thẫm. Như màu máu. Ánh mắt tinh quái, đen thẫm của cô nhìn thẳng vào mắt tôi như thôi miên. Gương mặt cô từ từ sát lại. Một mùi hương nồng nàn như mùi dạ lý phả vào mũi khiến tôi ngộp thở. Và khi đôi môi đỏ máu ấy dán vào môi tôi, một luồng khí lạnh tràn trề bao phủ khiến tôi tê dại. Cô thì thào trong nụ hôn lạnh buốt:
“Đi theo em nào”.
Chân cô đi như lướt trên ngọn cỏ. Phía trước, những nhánh lá, cành cây trong vườn chuyển động, chúng dạt ra như một vòm cổng cho Huyền Mi bước vào. Tôi mộng mị đi theo cô với một tâm trạng trống rỗng, bềnh bồng như người đi trên mây.
Ngồi xuống trên một gờ cỏ mịn, Huyền Mi mỉm cười gọi tôi:
“Lại đây đi”.
Tôi ngồi xuống, dựa vào người Huyền Mi theo đà tay kéo của cô. Cảm giác buốt lạnh vẫn tràn trề trong người khiến tôi rùng mình. Huyền Mi hỏi:
“Chị sao thế? Lạnh à?”
Tôi khẽ trả lời:
“Ừ, lạnh quá”.
“Không sao đâu. Ngồi một lúc, chị sẽ hết lạnh”.
Dưới ánh trăng xanh khi mờ, khi tỏ, gương mặt Huyền Mi lúc trắng nõn, lúc tối sầm. Riêng đôi môi của cô vẫn đỏ thẫm. Vệt đỏ ấy thu hút tôi một cách kỳ lạ, như thể con ong bị hút vào một nhụy hoa. Thế rồi, bất chợt tôi đưa ngón tay lên ve vuốt làn môi huyền ảo ấy thật nhẹ nhàng. Mái đầu tôi từ từ kề sát lại. Và tôi hôn cô.
Cái hôn như của người tình dành cho người tình. Cái hôn sâu thẳm, ngọt ngào, đầy tràn cảm xúc. Nó làm tôi run lên, làm tôi kiệt lực. Tôi không thở được nữa và có cảm giác mình chìm dần xuống một đại dương sâu thẳm. Rồi tôi nghe như có tiếng Huyền Mi thì thầm bên tai:
“Ngủ đi”.
Mở mắt ra, tôi thấy mình nằm trên sàn nhà ướt lạnh. Ngoài trời mưa thật to. Những hạt mưa hắt xéo vào phòng từ khung cửa sổ hình bán nguyệt đọng thành một vũng nước lớn. Chiếc điện thoại di động của tôi gióng giả, réo rắt mãi. Lồm cồm ngồi dậy giữa vũng nước, tôi với tay mở điện thoại. Minh gọi. Anh hỏi một hơi:
“Em làm gì mà anh gọi mãi không trả lời. Em có bị bệnh không vậy? Anh ghé chỗ em bây giờ được không? Em làm anh lo quá”.
Vẫn ngồi trong vũng nước, tôi trả lời Minh mà mắt lại ngước lên ngơ ngẩn nhìn Huyền Mi:
“Em không sao đâu. Em đang ngủ mà. Anh đừng đến. Em sẽ gọi anh sau”.
Trên tường, đôi môi đỏ tươi của Huyền Mi nhếch lên trong một nụ cười lạ lùng. Tôi cứ ngồi trong vũng nước, nhìn Huyền Mi và ngẫm nghĩ mãi. Bây giờ là buổi trưa, dù trời âm u vì mưa nhưng kim đồng hồ chỉ rõ con số mười một. Tôi mới sơn sửa lại cho bức tranh của Huyền Mi được ba tiếng đồng hồ. Tôi ngủ lúc nào vậy? Ngủ say đến nỗi mưa to, tạt ướt cả người mà không biết. Ngủ say đến nỗi nằm mơ một giấc mơ thật lạ kỳ. Nhìn nụ cười của Huyền Mi, tâm trí tôi vẫn in đậm cảm giác lúc đôi môi ấy dán lên môi mình. Lạnh buốt. Nhưng thật đắm say. Nghĩ đến đây, tôi chợt phì cười. Lẽ nào tôi lại là một lesbian? Một lesbian khủng hoảng thần kinh đến độ mơ mộng với bức tranh trên tường?
Giấc mơ ấy không quay trở lại. Ít nhất là hai lần, tôi thử hôn vào đôi môi đỏ máu ấy và căng hết mọi giác quan ra để nghe ngóng. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tôi hôn thêm một cái nữa rồi nói to:
“Bạn đẹp thật đấy nhưng tớ chỉ yêu đàn ông thôi. Đừng có hòng dụ dỗ tớ nhé”.
Trong tranh, ánh mắt Huyền Mi vẫn đen láy, tinh quái với cái nhếch môi kiêu kỳ.
Minh đến thăm sau khi tôi hoàn tất việc sơn sửa bức tranh và khung cửa sổ. Anh đứng đờ ra và kêu lên khi thấy Huyền Mi:
“Ô, em vẽ theo phong cách mới à? Anh chưa thấy em vẽ như thế này lần nào cả”.
Tôi ỡm ờ:
“Đẹp không?
“Quá đẹp. Phải nói như thế nào nhỉ? Thật sống động”.
Anh đưa tay sờ vào bàn chân của Huyền Mi:
“Xem này, những ngón chân như biết thở ấy”.
Tôi kêu lên:
“Đừng sờ vào”.
Minh giật mình rụt tay lại:
“Sao thế? Anh thấy sơn khô rồi mà”.
Tôi nhấm nhẳn:
“Tranh để xem chứ không phải để sờ. Anh quên à?”
Có lẽ gương mặt tôi nhìn trông cau có lắm khiến Minh ngạc nhiên rồi cười xòa:
“Ô, anh xin lỗi. Chỉ vì em vẽ cô ấy trông như người thật khiến anh bị thu hút tay chân. Thôi mà, đừng giận nữa. Ta uống rượu mừng tác phẩm mới chứ?”
“Cũng được. Để em gọi thêm vài người nữa”.
Tối hôm ấy, chúng tôi tổ chức một bữa ăn có âm nhạc và nến thắp lãng mạn gọi là tân gia. Ngoài tôi và Minh, còn có thêm vợ chồng Hằng, Kỳ và Thiên Thanh, một cô sinh viên khoa mỹ thuật.
Bàn ăn đặt ở một góc tường đối diện, nơi từ đó nhìn sang, Huyền Mi như đang ném cái nhìn quyến rũ vào từng người một. Giống như Minh, người nào bước vào căn hộ của tôi cũng bật thốt lên những tiếng kêu thán phục khi nhìn thấy bức tranh trên tường. Hằng, vợ của Kỳ, một họa sỹ theo trường phái tả thực, kêu lên:
“Trời ơi, Nhã chuyển qua phong cách này từ lúc nào vậy? Tuyệt quá”.
Kỳ tiến đến gần bức tranh. Giống như Minh, anh cũng định đưa tay sờ vào ngón chân của Huyền Mi nhưng Minh đã kêu:
“Đừng sờ. Sơn còn ướt”.
Kỳ giật mình rụt tay lại:
“Vậy sao? Trông như khô rồi mà. Này, Nhã pha màu chúa quá. Làn da trông y như thật. Y như biết thở!”
Chỉ riêng có Thiên Thanh không xuýt xoa khen ngợi. Nhìn thấy Huyền Mi, cô lùi lại một bước. Rồi cô lùi lại nhiều bước nữa, đứng dựa vào bức tường đối diện, đăm đăm nhìn Huyền Mi. Kỳ nhìn Thiên Thanh, hỏi:
“Mê đến độ không nói nên lời nữa hả?”
Cô gái run run ngồi xuống ghế:
“Em không biết nữa. Bức tranh đẹp quá nhưng… nhìn nó, em thấy sợ”.
Hằng mỉm cười:
“Tranh tả thực thường đem lại cảm giác ấy cho người xem. Nhất là những bức tranh lột tả được thần khí của nguyên mẫu”.
Thiên Thanh gật đầu:
“Có lẽ vậy. Lúc anh Kỳ tính đụng vào bức tranh, em thấy như cô ta cau mày”.
Kỳ cười to:
“Tưởng tượng dữ thế, cô bé? Nhưng anh công nhận là bức tranh này quá sống động. Nhã ơi, vậy là thành công rồi nhé. Khui rượu đi”.
Tôi chọn chỗ ngồi đối diện với Huyền Mi. Một bên tôi là Minh, bên kia là Thiên Thanh. Chỉ vào tiệc một lúc, câu chuyện đã chuyển hướng. Chúng tôi nói về cuộc triển lãm sắp tới của Hằng, Kỳ, về chuyến đi nước ngoài của Minh, về đề tài tốt nghiệp của Thiên Thanh. Hai chai rượu dần cạn và mỗi người trong chúng tôi đều ngà ngà say. Kỳ bảo:
“Về thôi, khuya rồi”.
Minh nói:
“Mọi người về trước đi. Tôi giúp Nhã dọn dẹp bàn ăn rồi về sau”.
Tôi bảo:
“Không cần đâu. Em tự dọn được. Anh cứ về với mọi người”.
Mặc kệ tiếng lầm bầm phản đối của Minh, tiếng cười đùa trêu ghẹo của Hằng, Kỳ, tôi cứ đẩy Minh ra ngoài và đóng cửa lại. Lảo đảo đi về phía giường ngủ, tôi nghĩ thầm trong đầu: “Ngủ đã, mai dọn cũng được”. Thế rồi tôi thiếp đi.
Hình Đăng
Trong giấc ngủ mê lịm vì rượu, dường như có ai đó ngồi xuống bên cạnh giường và nhìn chăm chú vào mặt tôi. Minh sao? Tôi cố nhướn mắt lên, cố cựa quậy người, cố hỏi anh một câu gì đó. Minh cúi xuống, thì thầm bên tai tôi:
“Em say quá rồi, để anh chăm sóc em”.
Anh nằm xuống bên cạnh, vòng tay mạnh mẽ của anh choàng qua, xiết chặt tôi vào lòng. Tôi muốn phản ứng, muốn hét lên mà không được, chỉ thì thào qua kẽ môi:
“Anh không được làm như thế. Anh về đi”.
Nụ hôn của Minh đã bịt chặt lời nói của tôi.
Gần sáng, tôi tỉnh dậy. Không hiểu sao, tôi nhớ ngay đến Minh và bùng nổ cơn giận. Anh đã lợi dụng cơn say của tôi để làm chuyện tồi tệ vậy sao? Quay sang bên, tôi tốc mền lên định lôi Minh dậy để chửi bới và chợt sững sờ. Bên cạnh tôi là khoảng nệm phẳng phiu, không có ai cả. Bật đứng dậy, tôi chạy ra phía cửa. Cánh cửa vẫn gài khóa kỹ càng. Tôi cứ đứng săm soi ổ khóa và nghĩ ngợi. Minh không thể vào nếu tôi không tự tay mở cửa. Như vậy chuyện Minh lạm dụng tôi chỉ là một giấc mơ.
Nhìn đồng hồ chỉ mới hơn bốn giờ sáng nhưng tôi không ngủ lại được nữa. Bật đèn lên, tôi đi dọn đám ly chén ngổn ngang trên bàn tiệc đêm qua. Xong, tôi đun nước pha cà phê. Mắt tôi nhìn thấy chiếc giá vẽ bên kia phòng và chợt muốn buông thả nỗi băn khoăn, ấm ức về giấc mơ của mình vào từng nét cọ. Thế là tôi đi về chiếc giá vẽ.
Từng nét vẽ hiện lên dần dần. Hình như ngoài kia trời đã sáng lên nhưng tôi không quan tâm. Tôi cứ vẽ như trong mộng mị, bàn tay thoăn thoắt như thể bị ai sai khiến. Khi tôi kiệt lực buông chiếc cọ vẽ xuống, gần như bức tranh đã hoàn thành. Tôi mệt mỏi nhưng thỏa mãn, đứng lùi lại một bước, nheo mắt nhìn tác phẩm của mình.
Trong tranh, Huyền Mi đang giận dữ nhìn tôi. Ánh mắt như có lửa.
Tôi đứng như chết trước bức tranh. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại rơi vào tình huống kỳ lạ như thế này. Khi vẽ, tôi muốn vẽ chính mình. Tôi muốn vẽ một con Nhã âu sầu và bực dọc, một con Nhã luống cuống vì giấc mơ đậm màu dục tính với người mà nó chẳng yêu. Tôi muốn vẽ sự bế tắc của mình trong tình cảm. Thế nhưng tại sao người trong tranh lại là Huyền Mi? Đôi mắt cô ta nhìn tôi chằm chằm. Khóe miệng trễ xuống trong một cái bĩu môi đầy chán ghét. Dường như cô ta muốn nói một điều gì đó rất khinh bạc. Tôi cảm nhận như thế và chợt rùng mình.
Tôi chưa vẽ tranh chân dung bao giờ. Thật ra, tôi có vẽ người, nhưng không vẽ theo trường phái tả thực. Người trong tranh của tôi lúc nào cũng mỏng manh như sương khói. Vì thế Hằng, Kỳ và cả Minh đều ngạc nhiên khi thấy bức tranh trên tường và tưởng là của tôi. Nếu họ thấy bức tranh tôi vừa vẽ, họ sẽ còn ngạc nhiên như thế nào đây? Huyền Mi trong bức tranh tôi vẽ còn sống động hơn cả bức tranh trên tường. Như thể cô ta là một con người sống thực.
Ngồi phịch xuống ghế, tôi bần thần như bị cảm lạnh. Tại sao tôi lại vẽ mình ra Huyền Mi? Cô ta ám ảnh trong tiềm thức tôi đến độ nào vậy? Chuông điện thoại bỗng réo vang làm tôi giật mình. Minh gọi.
“Em dậy chưa? Có khỏe không? Tối qua em uống nhiều quá, anh cứ lo đêm hôm em bị trúng gió”.
“Em không sao, em khỏe”.
“Nhưng giọng nói của em nghe như hết hơi sức ấy. Anh đến chở em đi ăn sáng nhé? Ăn phở cho nó tỉnh người”.
Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng thật lâu, tôi tỉnh hẳn rượu. Đi ngang căn phòng với mái tóc ướt, tôi lấy tấm vải rộng che bức tranh vừa vẽ lại. Tôi không muốn Minh nhìn thấy nó và lại hỏi tôi nhiều câu khó trả lời. Bản thân tôi còn chưa trả lời cho chính tôi được thì biết trả lời Minh ra sao?
Minh đến, vẫn chỉn chu và ân cần. Nhìn anh, nhớ đến giấc mơ đêm qua, mặt mũi tôi nóng bừng. Tôi lén nhìn đôi môi của Minh. Trong giấc mơ, đôi môi ấy thật tham lam và cuồng nhiệt. Trong chốc lát, tôi tưởng như mình có thể yêu anh được, nhưng khi Minh đi đến tủ lạnh, đặt vào đó túi cam anh mới mua, tôi lại thấy đây không phải là người đàn ông tôi muốn. Tôi không thể yêu một người đàn ông quá chu đáo, quá tốt bụng. Có lẽ, người đàn ông mang gương mặt Minh trong giấc mơ đêm qua mới đúng là người tôi muốn. Một người đàn ông mạnh mẽ, liều lĩnh, bất cần. Giá mà Minh hiểu được điều đó.
Ăn phở xong, chúng tôi đến quán cà phê gần Hội Mỹ thuật, nơi tụ họp của những người trong giới. Còn sớm quá nên mới chỉ có vài họa sỹ lão thành ngồi trầm tư. Minh gọi cho tôi ly cà phê sữa và khi cô phục vụ đã đi khỏi, anh nói:
“Trông em không được ổn. Coi chừng bệnh đấy”.
“Em không sao mà. Chắc còn dư âm của rượu thôi”.
Không hiểu sao, tôi không muốn trò chuyện với Minh mà chỉ muốn ngồi im để suy nghĩ. Trong tôi vẫn còn cảm giác bàng hoàng như lúc vừa vẽ xong bức tranh chân dung Huyền Mi. Có lẽ Minh nhận ra điều gì đó bất thường ở tôi nên lặng im không hỏi nữa. Thấy mình hơi bất lịch sự, tôi nhổm người định rủ Minh qua Hội thì có bóng người bước đến bên bàn:
“Chào chị Nhã, anh Minh. Anh chị uống cà phê sớm quá hả?”.
Tôi ngước lên nhìn. Thiên Thanh. Cô gái tự nhiên kéo ghế, ngồi xuống, gương mặt tỏ ra một sự hiếu kỳ đến cực độ:
“Em vừa định gọi điện cho chị đó”.
“Có việc gì không em?”
“Bức tranh của chị. Bức tranh trên tường ấy”.
“Sao?”
“Nó có một hấp lực kỳ lạ lắm. Hôm qua em nhìn thấy đã rùng mình, không dám nhìn nữa. Vậy mà đêm về em nằm mơ thấy nó đó chị”.
“Nằm mơ à? Nằm mơ thấy gì?”
Trái tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Thiên Thanh nghiêng người sát lại gần tôi, thì thầm như không muốn cho Minh nghe:
“Chị à, kỳ lắm. Em thấy cô gái đó… hôn em”.
Tôi giật mình và cũng thì thầm vào tai Thiên Thanh, vờ tò mò:
“Thật à?”
“Như đàn ông hôn đàn bà ấy. Mê đắm, ngọt ngào. Nhưng mà lạnh buốt, chị ạ. Lạnh như hôn nước đá. Em tỉnh dậy mà vẫn còn run”.
Tôi vờ vĩnh cười trong khi trái tim như thắt lại trong một cảm giác lạ lùng:
“Tưởng tượng kinh dị thế, cô bé”.
Thiên Thanh mở to mắt nhìn tôi, giọng cô đầy tức bực:
“Em không tưởng tượng đâu. Đó là sự thật. Em thức dậy rồi không dám ngủ tiếp nữa. Em định trưa trưa một chút thì gọi điện rủ chị ra ngoài uống cà phê để kể cho chị nghe đó”.
Minh xen vào:
“Hai chị em nói gì mà có vẻ bí mật vậy? Thôi để anh qua Hội một chút cho hai cô nói chuyện”.
Minh đi rồi, Thiên Thanh hấp tấp hỏi tôi ngay:
“Chị Nhã, chị vẽ bức tranh trên tường từ lúc nào? Có người mẫu không? Em muốn gặp cô ấy được không? Không hiểu sao em có một cảm giác rất kỳ lạ ở trong người sau khi xem tranh của chị”.
Tôi không trả lời Thiên Thanh mà cứ ngồi im để ngẫm nghĩ. Sau sự việc bức tranh vẽ buổi sáng, tôi như rơi vào một thế giới đầy nghi hoặc. Tôi không biết luận giải thế nào về các sự việc xảy ra cho mình. Tất cả, giống như tình tiết của một bộ phim, một cuốn truyện mang màu sắc huyền bí mà nhân vật chính là một bóng ma. Ma? Nghĩ đến đây, người tôi chợt lạnh toát. Phải chăng Huyền Mi là một con ma sống ở trên tường? Có phải vì thế mà người chủ cũ đã dán đè lên đó hai lớp giấy và dặn tôi đừng xé nó ra? Nhưng tôi đã xé và còn chỉnh sửa cho Huyền Mi thêm hoàn hảo, vì thế cô ấy đã trở về?
Tôi nhìn Thiên Thanh chăm chú rồi quyết định:
“Đi về nhà chị đi rồi tính sau”.
Trước căn hộ của tôi, một người đàn ông trung niên, dáng vẻ lịch lãm đang đứng tần ngần. Nhìn thấy tôi và Thiên Thanh, ông nói:
“Xin lỗi, tôi tìm cô Nhã, chủ căn hộ này. Tôi vừa ở nước ngoài về, muốn ghé chào cô”.
“Ồ, chào ông. Tôi có nghe người môi giới nhà nói. Mời ông vào uống nước”.
Cửa vừa mở, người đàn ông bước vào trước cả tôi và Thiên Thanh. Và rồi, trước mắt hai chúng tôi, ông ta đưa ngón tay chỉ lên bức tường có khung cửa sổ hình bán nguyệt, miệng thều thào như hụt hơi:
“Cô… ai cho cô… mở nó ra? Sao… cô… dám… mở nó ra?”
Ông quỵ xuống, ngất xỉu.
Những ngày sau đó, một cuộc đối đầu mạnh mẽ đã xảy ra giữa tôi và người chủ cũ. Tỉnh dậy trên chiếc ghế salon, ông ta đùng đùng nổi giận:
“Tôi đã dặn là không được xé lớp giấy dán cũ, chỉ dán đè lên. Sao cô lại trái lời tôi?”
Tôi ngạc nhiên và cảm thấy bực dọc. Ông ta là chủ nhà chứ có phải bề trên của tôi đâu mà nói giọng trịch thượng như thế chứ. Vì vậy, tôi trả lời:
“Xin lỗi ông. Tôi đã trả tiền đầy đủ để mua căn hộ này. Tôi đã là chủ và tôi muốn làm gì thì làm, ông không có quyền ngăn cấm”.
“Tôi không bán cho cô căn hộ này nữa. Tôi trả lại tiền và lấy lại căn hộ”.
“Ông nói như đùa vậy? Căn hộ này giờ là của tôi. Giấy tờ đứng tên tôi và tôi không có ý định bán lại cho ông”.
“Cô cứ chờ đó. Tôi sẽ lấy lại căn hộ này”.
Nói xong, ông ta giận dữ bước ra. Thiên Thanh và tôi đứng nhìn nhau một lúc rồi tôi tiến đến giá vẽ, lôi tấm vải ra, để lộ gương mặt Huyền Mi với ánh mắt như có lửa.
“Chị mới vẽ sáng nay đó. Em lý giải thế nào đây?”
Thiên Thanh đứng bật dậy, há hốc miệng, sững sờ nhìn. Rồi giống như lần trước, cô lùi dần, lùi dần đến khi lưng đụng một bức tường khác:
“Chị Nhã. Vậy là sao? Em không hiểu?”
Tôi hét lên:
“Chị cũng không hiểu. Chị định vẽ chị nhưng vẽ xong rồi thì thấy thế này đây”.
Thiên Thanh hoảng sợ:
“Chị bị cô ta ám rồi. Khi nhìn thấy bức tranh trên tường, em đã nổi da gà. Trông cô ấy như một người thật nhưng lại có khí sắc của người không có thật, như ma ấy. Nếu không, sao chị bị ám ảnh mà vẽ giống hệt cô ấy chứ? Rồi em cũng nằm mơ thấy cô ấy nữa. Em không thể quên được nụ hôn của cô ấy. Nó cứ thôi thúc em đi tìm chị, đi theo chị về căn hộ này, mặc dù em rất sợ…”.
Không trả lời Thiên Thanh, tôi đứng im nhìn bức tranh mình vừa vẽ lúc sáng. Thật kỳ lạ. Trong đôi mắt có ánh lửa ấy, hình như có cả một giọt nước mắt vừa ứa ra nữa. Tôi khẽ chớp mắt rồi loạng choạng đi về phía salon, ngồi xuống. Thiên Thanh vội chạy tới, nắm tay tôi:
“Chị sao vậy? Chị mệt à?”
“Không. Chị chỉ muốn nghỉ một chút”.
Tiễn Thiên Thanh ra về, trở vào phòng, tôi tiến đến mở cánh cửa sổ hình bán nguyệt. Nắng từ phía công viên xa xa có màu như mật ong và gió mơn man gương mặt tôi thơm mùi cỏ dại. Tôi đứng nhìn lên bầu trời xanh biếc và tự nhủ: sao lại để mình bị cuốn vào những vụ việc phi lý như thế này? Phải thoát ra chứ Nhã. Mày vốn là một người mạnh mẽ kia mà.
Lùi xa khỏi cửa sổ, tôi đứng đối diện bức tranh trên tường và nói to:
“Cô là ai thế? Dù cô có là ma, tôi cũng không sợ đâu. Tôi thích vẻ đẹp của cô và người nào đó vẽ cô quá sống động khiến tôi kính phục. Tôi giữ cô lại. Không, đúng ra phải nói là tôi giữ bức tranh lại chỉ vì yêu cái đẹp. Có thế thôi”.
Nói xong, tôi nhíu mày, bật cười. Mình giống như con rồ, đi nói chuyện với bức tranh trên tường. Khỉ thế? Để xua đuổi mọi cảm giác vớ vẩn còn tồn tại trong người, tôi bật nhạc lên và hát ầm ĩ. Có thể vì thế mà tôi không nghe tiếng chuông cửa kính coong. Cho đến khi có tiếng đập tay thình thình vào cửa và tiếng gọi ơi ới: “Cô Nhã, cô Nhã”, tôi mới giật mình tắt nhạc và chạy ra.
Người môi giới nhà nở nụ cười tươi tỉnh khi nhìn thấy tôi:
“Ông chủ nhà ấy mà… ông ấy nhờ mời cô đến gặp. Ông ấy có vẻ khẩn thiết lắm”.
Tôi nhún vai, suy nghĩ: có gì khẩn thiết nữa nhỉ? Nhưng ông ta muốn gặp thì mình sẽ gặp. Muốn lấy lại căn nhà thì đừng hòng, vì mình có đủ giấy tờ hợp lệ rồi. Cứ xem ông ta muốn nói gì đã. Nhân tiện, mình sẽ hỏi kỹ về bức tranh trên tường và lý do tại sao ông ta lại bịt kín nó đi.
Trời mưa dầm khi tôi rời nhà ông Nguyên, trở lại nhà mình. Trái với tâm trạng cứng cỏi, sẵn sàng xù lông như một con nhím khi ra đi, tôi trở về nhà với một cảm giác nặng trĩu. Trên giường bệnh, ông Nguyên tiếp tôi với một thái độ khác hẳn hôm ông đến nhà tôi. Thoắt trông thấy ông, tôi giật mình. Chỉ mới vài hôm mà ông già và hốc hác hẳn đi. Quầng đen dưới mắt lan rộng chứng tỏ ông mất ngủ hoàn toàn. Ông mời tôi ngồi, xin lỗi vì phải nằm trên giường để tiếp tôi. Ông bảo:
“Hôm trước, tôi cư xử không đúng với cô. Tôi xin lỗi. Lẽ ra tôi phải nói rõ lý do cho cô hiểu trước đã…”
Tôi im lặng quan sát ông. Trong khi nói, đôi lông mày ông nhíu lại, hằn rõ những nếp nhăn khắc khổ. Đôi mắt ông nhìn xuống như muốn che giấu một điều gì đó và đôi môi run run như thể phải cố gắng lắm mới nói nên lời.
“Đó là một câu chuyện dài. Một nỗi đau, cô Nhã ạ”.
Trong căn phòng yên tĩnh, giọng nói của ông đều đều, mệt mỏi:
“Tên nó là Huyền Châu. Nó là con gái út của tôi.
Tôi có ba đứa con gái thì Huyền Châu là đứa xinh đẹp, thông minh nhất. Nhưng nó cũng là đứa bướng bỉnh, cá tính nhất. Trong khi hai đứa chị răm rắp nghe lời bố mẹ, nó lại chỉ làm theo ý nó mà thôi. Chẳng hạn, tôi muốn cả ba đứa con gái theo nghề của cha, tức là làm bác sĩ thì hai đứa chị đồng ý ngay. Còn nó, nó phản đối. Nó bảo: cái nghề gần gũi với bệnh tật, thuốc men ấy, nó không thích, bố mẹ và hai chị làm là đủ cống hiến, giúp đời rồi. Nó chỉ thích vẽ, thích âm nhạc, thích thơ ca. Nó còn bảo cám ơn bố mẹ đã sinh ra con, nhưng cuộc đời con thì con muốn tự quyết định, miễn là những quyết định của con không làm cho bố mẹ mất mặt là được rồi. Với đứa con gái bướng bỉnh như nó, chúng tôi phải chiều theo thôi chứ biết làm sao?
Nó học vẽ và vẽ rất đẹp. Căn phòng riêng ở nhà không đủ để nó làm xưởng vẽ và trưng bày tranh. Nó lại còn có nhu cầu tiếp đãi bạn bè trong giới nữa, vì thế, nó xin tôi cho phép nó dọn ra ở trong căn hộ rộng nhất tòa nhà mà tôi vừa xây xong. Chính là căn hộ cô ở bây giờ đấy.
Vâng, đúng. Nó đã làm xưởng vẽ và sống ở đấy, không về nhà nữa. Thỉnh thoảng, khi tôi và mẹ nó kêu gào quá thì nó mới đảo qua nhà nhưng chỉ trong chốc lát rồi lại ra đi.
Tôi không biết cuộc sống của những họa sỹ khác như thế nào, nhưng cuộc sống của con tôi là một cuộc sống đầy mộng mị. Có hôm tôi đến nhà nó, bắt gặp cả đám họa sỹ trẻ đang ngồi như nhập đồng trước một bức họa. Hôm khác, chúng lại cãi nhau như mổ bò. Căn phòng thì tràn ngập mùi thuốc lá, mùi rượu, mùi hơi người, mùi sơn dầu và hàng chục thứ mùi khiến tôi không chịu nổi. Tôi lo cho sức khỏe của nó thì nó cười: “Con chẳng sao cả, bố yên tâm”. Mà quả thật, nó chẳng sao hết, ngoài những cách sinh hoạt hơi khác thường thì nó vẫn sởn sơ, vui vẻ, dù đôi khi hơi có vẻ như người mộng du.
Thường thì nó vẽ tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, có lúc nó còn vẽ tranh trừu tượng. Tôi chưa bao giờ thấy nó vẽ người cả. Thế rồi bỗng dưng nó thay đổi hẳn. Nó xoay qua vẽ người. Đó là lúc nó gặp Vĩnh Hưng, một họa sỹ theo phong cách tả thực.
Trước đó, tôi cứ ngỡ nó thích Khải, một họa sỹ cũng vẽ tranh trừu tượng như nó. Tôi từng thấy Huyền Châu đi sóng đôi bên Khải rất vui vẻ, đôi khi chúng còn có những cử chỉ thân mật với nhau. Khải là một thanh niên tử tế, tác phong lịch sự và khá xứng đôi với Huyền Châu. Tôi cứ nghĩ chúng yêu nhau, nhưng không phải.
Khi Hưng xuất hiện, Huyền Châu thay đổi ngay cách cư xử với Khải. Không những thế, nó còn chấm dứt những cảnh đàn đúm, tụ tập trong căn nhà của mình một cách nhanh chóng. Giờ đây, chỉ còn Vĩnh Hưng trong mắt nó.
Sự thay đổi của Huyền Châu, một phần nào đó khiến vợ chồng tôi rất mừng. Căn nhà của nó không còn những mùi khó chịu nữa, khi chúng tôi tạt qua, nó đã trở về đúng hiện trạng của một căn phòng có chủ nhân là nữ. Dù vẫn nồng mùi sơn dầu từ những bức tranh nhưng căn nhà đã gọn ghẽ, sạch sẽ hơn nhiều.
Huyền Châu bỏ không vẽ theo phong cách từ xưa đến nay của mình nữa. Nó chuyển qua vẽ người, vẽ tả thực như Vĩnh Hưng. Có lẽ đây mới là tài năng thực sự của nó. Bất cứ thứ gì nó vẽ ra đều có sức sống mãnh liệt, từ một chiếc lá, một cành hoa, tất thảy đều như chuyển động, như run lên dưới mỗi nét cọ. Bức tranh trên tường là do chính nó tự vẽ mình đấy. Nhưng đó là chuyện về sau. Bây giờ, hãy cứ theo mạch chuyện đã. Do nó vẽ đẹp như thế, tranh nó bán rất chạy. Tên tuổi nó rực rỡ sáng và nó hãnh diện vô cùng.
Thế nhưng, bên cạnh sự thay đổi có chiều hướng tốt đó, còn có cả những thay đổi xấu. Trước kia, dù đàn đúm, tụ tập nhưng không ai trong giới họa sỹ, kể cả Khải, được ở lại ngủ đêm trong nhà Huyền Châu. Giờ đây, không những Vĩnh Hưng được ở lại trong nhà mà còn ở lại thường xuyên. Bởi vì trong mắt Huyền Châu, Vĩnh Hưng là người đã giúp nó tìm ra tài năng thực sự của mình. Nó yêu, kính phục và mê mệt anh ta.
Tôi và mẹ nó buồn lắm, giận nữa. Đằng nào chúng tôi cũng là người có vai vế trong xã hội, mỗi chút cử động là người ta nhìn ra ngó vào rồi. Vậy mà giờ đây, nó đem Vĩnh Hưng về nhà, sống như vợ chồng, không cưới hỏi gì cả, hỏi sao chúng tôi không điên lên?
Đối với sự trách phiền của chúng tôi, Huyền Châu vẫn thản nhiên. Không hiểu nó ăn phải bùa mê thuốc lú gì của Vĩnh Hưng mà dám trả lời chúng tôi tay đôi. Nó bảo chúng tôi cổ hủ. Thời buổi thế kỷ hai mốt mà còn câu nệ chuyện cưới hỏi. Nó còn bảo nếu chúng tôi không hài lòng cách sống của nó thì cứ đăng báo từ nó đi. Vợ tôi uất quá, ngã bệnh. Hai chị nó xót mẹ, tới mắng nó và Vĩnh Hưng một chặp, thế là nó tự đăng báo, tuyên bố không còn là con gái dòng họ Nguyễn nữa…”.
Nói đến đây, ông Nguyên thở dốc, gương mặt xanh nhợt. Tôi vội lấy ly nước ở chiếc bàn kê đầu giường đưa cho ông:
“Thôi ông nghỉ đi. Hôm nào ông khỏe, tôi sẽ đến xin nghe chuyện tiếp”.
“Xin cô cứ nán lại. Tôi phải kể cho xong chuyện này, phải giải quyết bức tranh trên tường cho xong thì mới yên lòng”.
Trên gương mặt ông Nguyên, một nỗi thống khổ hiện lên khiến tôi se lòng.
Qua lời kể của ông Nguyên, tôi hình dung ra một Huyền Châu xinh đẹp, mạnh mẽ và bướng bỉnh. Sau khi đăng báo từ bỏ gia đình, Huyền Châu nói với bố mẹ sẽ trả tiền nhà hàng tháng cho đến lúc cô tìm được một nơi ở mới. Uất ức, tuyệt vọng vì hành vi của cô con gái út, bà Nguyên bệnh nặng hơn rồi qua đời. Khi Huyền Châu về xin được chịu tang, lần này chính ông Nguyên và hai người chị đã đuổi thẳng cô ra khỏi cửa.
Ngày tháng dần trôi đi. Huyền Châu không trả tiền nhà hàng tháng như lời hứa được vì cô không kiếm ra tiền nữa. Cái án người mẹ vì cô mà chết đè nặng trên đầu, trên tên tuổi của cô. Không ai thích mua tranh của một người đã giết mẹ mình, dù là giết gián tiếp. Mọi người đều quay lưng lại với Huyền Châu. Tất cả mọi chi phí trong nhà, giờ chỉ trông cậy vào thu nhập của Vĩnh Hưng.
Con chồn dù có giấu mãi đuôi thì cũng có ngày lộ ra. Vĩnh Hưng không phải là một anh chàng tốt. Anh ta cứ ngỡ đến với cô con gái út dòng họ Nguyễn, mình sẽ hưởng được những món hời. Không ngờ, hành vi từ bỏ gia đình của Huyền Châu lại lôi kéo thêm nhiều thứ ảnh hưởng khác. Mà cái thứ Vĩnh Hưng không muốn bị ảnh hưởng nhất là túi tiền. Không cất vào thì cũng đừng rút ra. Vì thế, chỉ vài tháng phải lo toan chi phí cho cả mình và Huyền Châu, anh ta đã nổi cáu. Những lời nặng nhẹ tuôn ra, dẫn đến sự đổ vỡ cố tình. Vĩnh Hưng khăn gói ra đi, bỏ lại Huyền Châu với căn phòng đầy ắp tranh không bán được và một tâm hồn tan nát.
Ông Nguyên kể:
“Sau khi Vĩnh Hưng đi, nó ở lì trong nhà, không giao du với ai nữa. Thỉnh thoảng, qua lời hàng xóm của nó kể, tôi biết nó hay lên mộ mẹ, ngồi một mình. Nó bán dần vật dụng trong nhà, mua sơn để vẽ thêm vô số tranh. Và cuối cùng, ngay hôm giỗ đầu của mẹ, nó gửi cho tôi một bức thư. Cô hãy đọc đi”.
Cầm lấy tờ giấy ố vàng trên tay ông Nguyên, tôi lẩm nhẩm đọc.
“Bố kính yêu,
Con biết mình không đáng để được gọi bố bằng chữ ấy, nhưng xin bố hãy cứ để cho con gọi một lần cuối cùng, vì sau khi bố đọc thư này, con không còn có dịp nhìn thấy bố nữa.
Con đã mù quáng, sai lầm nhiều quá, đến nỗi giờ đây con không dám xin bố và hai chị tha thứ cho con. Con cũng không có can đảm quỳ trước bàn thờ của mẹ để xin lỗi. Con không đáng được tha lỗi. Vì thế con đã chọn cách ra đi. Con chỉ xin bố và hai chị hiểu rằng, trong lòng con, bố mẹ và hai chị vẫn là máu thịt, là những gì con yêu thương nhất.
Con để lại một số tranh trong nhà. Bây giờ nó không bán được, nhưng có lẽ sau này, khi con không còn nữa, mọi người sẽ tha thứ và lại mua tranh của con chăng? Bố và hai chị cứ xem đó là món quà hối lỗi mà con để lại.
Trước khi ra đi, con đã tự vẽ mình trên tường. Có đôi chỗ, con đã pha sơn với máu của chính mình. Những giọt máu trong sạch còn sót lại của Huyền Châu, con gái út thương yêu của bố mẹ, đứa em út nông nổi nhưng luôn được cưng chiều của hai chị. Bức tranh ấy là con của ngày cũ, không phải con bây giờ. Vì thế, bố đừng xóa nó đi, bố nhé. Biết đâu có một lúc nào đó, con lại trở về trong bức tranh để thăm bố và hai chị thì sao?
Dù con không đáng được tha thứ nhưng con vẫn xin bố tha thứ cho con.
Hai chị hãy tha thứ cho em. Hãy thắp cho mẹ một nén nhang hối lỗi giúp em.
Từ biệt.
Huyền Châu”.
Trong khi tôi đọc thư, ông Nguyên thẫn thờ ngồi nhìn qua khung cửa. Ngoài kia nắng đã úa vàng và có chút gió nhẹ thổi vào. Đón lấy lá thư trên tay tôi, ông Nguyên thở dài:
“Đuổi nó đi, không cho nó chịu tang mẹ, lòng tôi cũng đau như cắt. Nó là đứa con tôi yêu thương nhất. Vì nó ốm đau quặt quẹo từ nhỏ nên cả nhà ai cũng nuông chiều. Có lẽ vì thế mà nó mới có tính khí bướng bỉnh, thích gì làm nấy, không ai cản được. Ngẫm nghĩ lại thì lỗi cũng do mình nhiều phần, đã không răn con từ bé. Nhưng cứ nhớ lại hành động đăng báo từ bỏ gia đình của nó, tôi lại giận sôi lên. Hai chị nó cũng quyết liệt không nhìn nhận nó nữa. Vì thế, dù đau khổ, chúng tôi vẫn giữ kín trong lòng. Lá thư của nó đã đánh thức phần tình cảm máu thịt của cả ba bố con. Thế là chúng tôi tức tốc đến nhà nó, chỉ sợ nó đã làm điều gì dại dột.
Nhưng nó đã đi khỏi rồi. Căn nhà đầy ắp tranh và trên tường, nó đang nhìn chúng tôi với ánh mắt tinh nghịch, đáng yêu thuở còn thơ dại.
Tôi đã cho người tìm kiếm, kể cả đăng báo, thông tin trên truyền hình nhưng nó vẫn bặt vô âm tín. Rồi có một hôm, bà hàng xóm của nó cho tôi hay, nửa đêm bà nghe như có tiếng động trong nhà nó. Tôi nghĩ có thể nó trở về vì nhớ nhà nhưng lại bỏ ra đi vì bản thân nó vẫn chưa tha thứ mình. Thế là tôi dọn đến ở căn phòng ấy. Tôi chờ con tôi. Tôi chờ một hôm nào đó nó trở về và bố con sẽ gặp lại nhau.
Đúng hôm mãn tang vợ tôi, nó trở về thật. Nó về trong giấc mơ của tôi. Hay đúng hơn, tôi nằm mơ thấy nó. Tôi thấy nó ướt sũng, lạnh run và đang khóc. Lúc sau, tôi lại thấy nó cười, tung tăng nhảy múa và dạo chơi thơ thẩn trong vườn. Lần nào cũng vậy, khi tôi chạy đến gần nó thì lại giật mình vì một tiếng động nào đó và tỉnh giấc.
Mọi người nói tôi bị ám ảnh nên tưởng tượng ra đủ điều về Huyền Châu. Các chị nó lại nghĩ em gái chết rồi và linh hồn nó còn buồn bã, hối hận vì tội lỗi nên không siêu thoát được. Chúng nó đòi mời thầy đến cúng nhưng tôi không đồng ý. Tôi không tin Huyền Châu đã chết. Nó là đứa mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Nó không thể chết được. Nhưng hai chị nó, một hôm qua thăm tôi và ngủ lại, cũng mơ thấy Huyền Châu. Thế là dù tôi không đồng ý, chúng cũng mời thầy về cúng.
Thầy cúng là một nhà ngoại cảm. Ông đứng trước bức tranh của Huyền Châu cả giờ đồng hồ rồi tuyên bố rằng con bé chưa chết. Nhưng vì bức tranh được vẽ bằng sơn pha máu của chính nó nên có một điều kỳ lạ, không lý giải được đã xảy ra. Ông tin rằng Huyền Châu, ở một nơi nào đó, trong giấc ngủ, đã được tâm linh thôi thúc về thăm lại ngôi nhà của mình. Vì thế, ông khuyên tôi lấy giấy dán kín bức tường, không cho bức tranh lộ ra nữa. Để trong giấc mơ, khi Huyền Châu không tìm được nơi trú ẩn, linh hồn của nó sẽ giục giã nó trở về bằng xương, bằng thịt.
Mười năm trôi qua rồi. Các chị nó hoàn toàn tin rằng em mình đã chết. Chúng nó lấy ngày giỗ mẹ, cũng là ngày nhận được thư từ biệt của Huyền Châu để làm ngày giỗ cho con bé. Riêng tôi, tôi vẫn hy vọng Huyền Châu còn sống. Mười năm qua, tôi đi khắp mọi nơi, la cà hết phòng tranh này đến phòng tranh khác, ước được nhìn thấy chữ ký của đứa con tội nghiệp. Hai chị nó thấy tôi bị giày vò khốn khổ quá nên không bằng lòng. Chúng rao bán căn nhà và khi sự đã rồi mới thông báo cho tôi biết. Tôi chỉ còn cách dặn người chủ mới đừng xé đi lớp giấy dán, cứ để nguyên như thế. Biết đâu có ngày, con gái tôi lại trở về.
Tôi thật không ngờ, trời đất run rủi làm sao để người chủ mới là cô, lại cũng là một họa sỹ. Và cô đã lột lớp giấy ra, lại còn làm cho mới bức chân dung của nó.
Cô có nằm mơ thấy nó không? Có không vậy? Dù có hay không, xin cô tin tôi, tin một người cha khốn khổ, cô hãy dán kín lại bức tường ấy để con gái tôi không lang thang trong mơ nữa và trở lại nhà…”.
Cuộc trò chuyện với ông Nguyên đã làm tôi kiệt lực. Quay trở lại nhà, tôi thắp tất cả các ngọn đèn trong phòng và ngồi lặng im trước chân dung Huyền Mi, hay đúng hơn là Huyền Châu. Trong tranh, ánh mắt tinh quái của Huyền Châu dường như dịu dàng hẳn. Nó phảng phất một lời trần tình, một điều gì đó thật khó hiểu. Nhìn ánh mắt ấy, tôi bật nói ra những suy nghĩ của mình:
“Chị đang ở đâu vậy, Huyền Châu? Chị còn sống hay đã chết? Chị xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người để làm gì? Chị còn điều gì u uẩn không nói được? Cha chị đã đi tìm chị bấy lâu nay, chị có biết không? Hãy quay về, nếu thật sự chị còn sống và vướng mắc bởi tội lỗi của mình. Hoặc, nếu chị chết rồi, hãy bình yên ra đi. Hai chị của chị cũng thương nhớ và tha thứ chị rồi. Nếu chị linh thiêng, chị phải biết được điều đó. Hãy để người sống được nguôi ngoai, đừng làm họ đau khổ nữa”.
Đêm hôm ấy, tôi tin chắc mình sẽ gặp được Huyền Châu trong giấc mơ, nhưng không, cô không xuất hiện. Hay bởi vì tôi mong ngóng cô quá nên giấc ngủ sật sừ, chẳng được sâu, vì thế cô không thể bước vào. Dù vì điều gì, sáng hôm sau, tôi quyết định đi mua giấy hoa để dán kín lại bức tường. Ánh mắt khắc khoải của ông Nguyên và câu chuyện bi thảm của tình cha con khiến tôi không đành lòng để bức tranh Huyền Châu phơi ra trước mắt mọi người.
Minh kêu lên khi tôi nhờ anh phụ một tay để dán giấy:
“Em sao thế? Bức tranh tuyệt đẹp mà lại che kín đi là thế nào?”
“Vì em muốn vẽ một bức khác, thế thôi”.
Minh ca cẩm:
“Ôi, chưa chắc bức khác đã đẹp bằng bức này. Cứ để đó. Vẽ ở các bức tường còn lại kia kìa”.
Tôi lớn tiếng:
“Đừng tiếc. Em đang nghĩ ra một thứ còn hay ho hơn”.
“Thứ gì chứ?”
“Anh. Có thể em sẽ vẽ anh”.
“Thật à? Vậy thì dán”.
Minh hí hửng nói cười. Tôi cũng cười, bụng nghĩ thầm đàn ông kể ra cũng nhẹ dạ cả tin không kém đàn bà. Tôi lôi xấp giấy lại và khi bôi lớp hồ dán đầu tiên lên tường, lòng tôi chợt nhói đau.
Tôi không quên nụ hôn lạnh buốt của Huyền Châu. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi nghĩ rằng cô đã chết.
Bức chân dung Huyền Châu mà tôi vẽ trong cơn mộng mị, tôi cũng gói kỹ và cất vào một chỗ. Hãy ngủ yên nhé, Huyền Châu. Tất cả đã qua rồi.
Nhiều tháng sau, một buổi tối, khi tôi đang ngồi trước giá vẽ, say mê với từng nét cọ, có tiếng chuông cửa reo vang. Có lẽ Minh đem thức ăn đến và rủ tôi đi uống cà phê. Tôi vui vẻ đứng dậy, ra mở cửa với đôi bàn tay lấm lem sơn dầu. Đưa tay lên cao, tôi định quệt vào mặt Minh rồi bỏ chạy thì khựng lại, chết sững.
Đứng trước cửa là Huyền Châu với đôi môi đỏ thắm của ngày nào. Mặc dù trông cô có vẻ già hơn bức tranh trên tường nhưng đó đúng là Huyền Châu.
Tóc gáy tôi dựng ngược và tôi chớp mắt lia lịa, sợ mình trông gà hóa quốc. Thế nhưng Huyền Châu đã mỉm cười, cất tiếng, giọng trong như chuông:
“Xin lỗi, cho tôi vào hỏi thăm một chút, được không ạ?”
Hương thơm và hơi ấm khi Huyền Châu lướt qua người tôi để vào nhà, khẳng định rằng đó là một Huyền Châu bằng xương, bằng thịt….

Nụ hôn buốt giá Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Admin